31-12-2020, 10:16 GMT+7
|
Cần tạo nền tảng vững chắc trong thực hiện mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước Sáng ngày 29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tiếp tục ngày làm việc thứ hai, với phần tham luận của đại diện tập đoàn, tổng công ty, bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp đồng bộ, kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại, quốc tế. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chú trọng công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các bộ quản lý chuyên ngành, quy hoạch tỉnh… cơ bản xong trong năm 2021. Cùng với đó, dự trù nguồn vốn, kế hoạch thực hiện cụ thể đối với các dự án. Tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng mất 2 năm chuẩn bị cho một dự án. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu về công tác giải ngân nguồn vốn ODA. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi thêm một số nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 và những thách thức đặt ra, nhất là tình trạng nhập cảnh trái phép đang diễn biến phức tạp. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu quan trọng về tạo chuyển biến trong cả hệ thống. Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ hội nghị Chính phủ với các địa phương nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao như lần này, nhất là về các giải pháp để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Thủ tướng cho biết, các địa phương đã gửi 319 kiến nghị cụ thể về các vấn đề lớn của đất nước. Các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, cho thấy quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Đề cập đến nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không được chủ quan khi nền kinh tế trong nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn cần vượt qua; kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực và kéo dài... Thủ tướng kêu gọi cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 6,5% trong năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng chỉ ra một số định hướng, trong đó có phát huy các ngành có thế mạnh như công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp sạch công nghệ cao và du lịch, dịch vụ. Thủ tướng nhấn mạnh, "tinh thần là bắt kịp mặt bằng chung của khu vực và thế giới, phấn đấu đưa Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch và hiện đại". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hai dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 để trình Thủ tướng ký ban hành ngay từ ngày đầu năm 2021. Các cấp, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị để thực hiện hiệu quả, nhất là vấn đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, hiệu quả; chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đối với các địa phương và các tập đoàn kinh tế, Thủ tướng đề nghị chú trọng tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất và nguồn nhân lực, đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. |
Tin trong ngày.
. . .
Tin khác.
. . . . .
|
Video
.
.
.
.